Bước vào mùa hè thời tiết nắng nóng, nền nhiệt có thể lên tới ngưỡng 39-40 độ C. Với đặc trưng khí hậu nắng nóng tại miền Bắc Việt Nam, việc chăm sóc, bảo quản và chú ý khi lái xe trời nóng nên là một trong những kỹ năng lái xe cần thiết. “Đỗ xe và lưu thông trong trời nắng gắt không chỉ làm hư một số chi tiết ngoại- nội thất trên xe mà còn có thể gây ra những ảnh hưởng không tốt tới sức khoẻ” ông Lý Văn Tân - GĐ hệ thống xưởng dịch xe du lịch THACO AUTO miền Bắc chia sẻ. Để hạn chế tối đa hiện tượng ô tô tích nhiệt, hư hỏng trong thời tiết năng nóng, chuyên gia từ THACO AUTO chia sẻ những lưu ý để chăm sóc thật tốt  “người bạn đồng hành” của mình 

Không để những vận dụng dễ bắt nhiệt trên xe.

“Với ảnh hưởng từ ánh nắng trực tiếp dưới trời nắng lên tới 39 - 40 độ C, nhiệt độ trong xe có thể lên tới 60 độ C hoặc cao hơn khiến nhiều vật dụng để trong xe có nguy cơ phát nổ, và gây ra hoả hoạn... Vậy những đồ vật nào không nên để trong xe với thời tiết nắng nóng này” - Ông Trần Văn Thế - PGĐ DV phân phối THACO AUTO miền Bắc đưa ra lời khuyên. Theo ông Thế dung dịch sát khuẩn, đồ điện  tử như máy tính, điện thoại, máy tính bảng, các loại hộp đóng kín, là những vật dụng trên xe dễ bắt nhiệt với nhiệt độ cao. Ngoài ra các vật dụng có thể là nguồn nhiệt như bật lửa, các hóa chất như nước hoa xịt, dễ bay hơi theo nhiệt độ, hay những chai nước lọc để trên Taplo, hoặc các vận dụng ở vị trí tiếp xúc với ánh sáng có thể tạo ra các thấu kính tích tụ ánh sáng tạo ra nhiệt lượng lớn đủ để phát cháy. 

Để hạn chế những tình huống không mong muốn xảy ra các bác tài nên để những vận dụng này tránh tiếp xúc với không khí nóng trên xe, hoặc ánh sáng nhiệt bằng cách để trong hộp hoặc dưới gầm xe hoặc được che chắn nhằm hạn chế bắt nhiệt.

 Che chắn xe khỏi ánh nắng trực tiếp

Nên hạn chế tối đa việc đỗ xe lâu dưới trời nắng gắt để tránh làm hư lớp sơn ngoại thất, ảnh hưởng tới các bộ phận như lốp, ắc quy... Ngoài ra, đỗ xe lâu dưới trời nắng gắt còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất nguy hiểm. 

Trong trường hợp phải đỗ xe lâu thì nên tìm chỗ có bóng cây mát hoặc chỗ râm mát có mái che, đảm bảo cho chiếc xe ít bị phơi nắng. Việc sử dụng kết hợp các tấm che nắng, ô che xe… giúp che chắn phần kính lái trên xe giúp giảm thiểu ánh nắng chiếu trực tiếp vào trong xe. Một biện pháp khác cũng có thể áp dụng là dán phim cách nhiệt để hạn chế tác động của nắng nóng và các tia có hại cho sức khỏe. 

Ngoài việc hạn chế đỗ xe lâu dưới trời nắng gắt, các bác tài nên tránh đỗ xe tại những vị trí gần vật liệu như rơm, rạ, lá khô. Vào mùa này, các miền quê tại vùng đồng bằng bắc bộ đang bước vào mùa gặt, người dân vẫn còn giữ thói quen phơi thóc lúa, rơm rạ trên đường. Nếu không chú ý, những vật liệu này rất dễ cuốn vào gầm xe, dưới sự cộng hưởng giữa nhiệt độ cao trời nắng gắt và nhiệt độ của ống xả (lên tới hơn 200oC) khi xe hoạt động rất dễ gây ra cháy nổ. 

Làm mát xe trước sử dụng

Chỉ sau khoảng 10 phút đỗ dưới trời nắng nóng thì khoang nội thất đã hấp thụ nhiệt lớn, có thể lên tới 60. Do vậy nếu đỗ xe dưới trời nắng thì trước khi lái xe, nên bật quạt gió, hạ kính cửa và chờ vài phút để luồng khí trong xe được lưu thông và giảm bớt nhiệt độ. Sau đó hãy khởi động xe và bật điều hòa để có thể bắt đầu di chuyển. Thói quen này tuy chỉ mất vài phút nhưng đem lại hiệu quả cao, người lái và hành khách không phải tiếp xúc trực tiếp với không khí nóng trong khoang xe.

Kiểm tra áp suất lốp

Lốp xe là bộ phận trực tiếp tiếp xúc với mặt đường nên cần lưu ý phải chăm sóc. Chuyên gia từ THACO AUTO ông Lý Văn Tân đưa ra lời khuyên tới các bác tài : “Thường xuyên kiểm tra bề mặt lốp, áp suất lốp. Lưu ý, kiểm tra áp suất lốp nên thực hiện lúc lốp nguội hoặc theo sách hướng dẫn sử dụng. Đảo lốp sau mỗi 10.000 km theo tiêu chuẩn của hãng. Nên để lốp non hơn tiêu chuẩn khoảng 0,1 kg. Ví dụ lốp xe Mazda 3 tiêu chuẩn là 2,55 kg/cm3 thì nên để áp suất lốp ở mức 2,5 kg/cm3.

Đối với những chiếc xe đời cũ chưa được trang bị bộ cảm biến áp suất lốp, bác tài trước tiên nên quan sát bằng mắt xem có dấu hiệu gì bất thường hay không, mỗi lần bơm lốp cần chú ý thông số áp suất, tránh bơm quá thông số tiêu chuẩn”

Ông Lý Văn Tân chia sẻ thêm : “Nắng nóng không những khiến cho các chi tiết trên xe tăng nhiệt độ, mà còn làm cho mặt đường cũng hấp thụ nhiều nhiệt hơn. Vì thế, lốp xe trong mùa nóng cũng sẽ mòn nhanh hơn và dễ gặp phải các vấn đề hư hỏng. Ngoài ra, hãy kiểm tra la-zăng (vành xe) xem có dấu hiệu bị cong vênh hay không, tránh các nguy cơ xảy ra tai nạn khi sử dụng xe”.

Lốp xe được kỹ thuật viên kiểm tra bảo dưỡng tỉ mỉ 

Kiểm tra hệ thống điện

Theo ông Thế nhiệt độ tăng cao làm tăng tốc độ phản ứng hóa học bên trong ắc-quy, dẫn đến bị quá tải và làm giảm tuổi thọ. Ngoài ra, nhiệt độ nắng nóng còn làm bay hơi chất lỏng bên trong ắc quy. Để cho ắc quy hoạt động hiệu quả và bền, nên kiểm tra hệ thống điện. Nếu ắc quy là loại nước, cần thường xuyên kiểm tra đặc biệt là trong thời gian nắng nóng kéo dài và châm thêm nước nếu cần thiết. Giữ vệ sinh và giữ các đầu cực sạch.

Vệ sinh điều hòa

Vào mùa nóng, nhu cầu sử dụng hệ thống điều hòa tăng cao. Do vậy trước khi vào mùa nóng, nên đưa xe đi kiểm tra hệ thống làm lạnh, vệ sinh bề mặt ngoài của két nước và dàn nóng. Đồng thời, hãy kiểm tra lượng ga điều hòa xem đủ hay thiếu và tình trạng hoạt động của dàn nóng. Đặc biệt không nên bỏ qua việc kiểm tra, vệ sinh hoặc thay thế lọc gió điều hòa. Theo tiêu chuẩn một số hãng xe, lọc gió điều hòa thay mới sau mỗi 15.000 km, kiểm tra vệ sinh sau mỗi 5.000 km.

Kỹ thuật viên vệ sinh giàn lạnh trên xe KIA

Mong rằng những chia sẻ trên đây sẽ là thông tin hữu ích trợ giúp các bác tài lái xe an toàn trong mùa hè này.